Được đi du lịch ai cũng thích, đặc biệt là trẻ nhỏ. Thế nhưng, nếu bị say xe, trẻ nhỏ sẽ rất mệt mỏi, khó chịu, ảnh hưởng ít nhiều đến chuyến đi. Vì vậy, nếu con hay bị say xe, bạn hãy trang bị những bí quyết chống say xe cho trẻ nhỏ để giúp bé tận hưởng trọn vẹn chuyến đi nhé!
Nếu trẻ bị say xe với các triệu chứng như chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn và nôn… khi đến địa điểm tham quan, trẻ rất mệt mỏi và không thể vui chơi được, làm cho chuyến đi không còn vui nữa. Để bé cảm thấy thoải mái hơn trong suốt hành trình, bạn hãy áp dụng một số phương pháp chống say xe cho trẻ nhỏ dưới đây nhé!
1. Vì sao bé lại bị say xe?
Khi cơ thể đang chuyển động, các bộ phận của cơ thể sẽ gửi thông điệp khác nhau đến não. Nếu trẻ nhìn vào một cuốn sách hoặc đơn giản là không nhìn ra ngoài cửa sổ, những bộ phận như tay chân sẽ truyền tín hiệu đến não rằng bé đang di chuyển về phía trước, trong khi mắt lại thông báo bé đang đọc sách và vẫn ngồi yên. Điều này khiến hệ thần kinh trung ương nhận được các thông điệp mâu thuẫn, dẫn đến cảm giác say xe.
2. Mẹo chống say xe cho trẻ nhỏ
2.1 Khuyến khích con nhìn ra cửa sổ
Khi con nhìn ra ngoài cửa sổ, tất cả các bộ phận cơ thể khác nhau của bé sẽ gửi cùng một thông điệp đến não của trẻ rằng trẻ đang di chuyển về phía trước. Điều này sẽ giúp bé giảm thiểu tình trạng cảm thấy muốn say xe hơn.
2.2 Đi vào ban đêm
Nếu có thể, bạn hãy thực hiện các chuyến đi bằng xe vào ban đêm. Khi đó, trẻ nhỏ sẽ rơi vào giấc ngủ, đồng nghĩa với việc quên đi cảm giác say xe.
2.3 Tránh ăn những món khó tiêu
Để chống say xe cho trẻ nhỏ khi đi du lịch, bạn không nên cho con ăn thức ăn có dầu mỡ hoặc nhiều gia vị vì sẽ khiến dạ dày của bé gặp khó khăn trong việc tiêu hóa. Thay vào đó, khi đi du lịch, bạn hãy chuẩn bị những món dễ ăn và có mùi vị thanh đạm hơn như trái cây, bánh quy mặn… Ngoài ra, bạn cũng đừng cho con ăn quá no trước khi lên xe, dạ dày quá đầy cũng khiến trẻ nhỏ dễ bị say xe.
2.4 Uống thuốc chống say xe chứa dramamine
Hiển nhiên, một trong những biện pháp chống say xe phổ biến nhất là uống thuốc có chứa dramamine để chuyến đi được diễn ra nhẹ nhàng. Thuốc có tác dụng chống buồn nôn và được sử dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên trước khi lên xe khoảng 1 giờ. Tuy nhiên, bạn nên chú ý liều lượng khi cho con uống:
- Trẻ em từ 2 – 6 tuổi: Cho trẻ uống 12,5mg mỗi sáu giờ một lần. Không vượt quá 75mg trong khoảng thời gian 24 giờ.
- Trẻ em từ 6 – 12 tuổi: Cho trẻ uống từ 12 – 25mg sau mỗi 6 giờ. Không vượt quá 150mg trong khoảng thời gian 24 giờ.
2.5 Cho con uống benadryl
Benadryl (diphenhydramine) có thể dùng cho trẻ em từ sáu tuổi trở lên. Đây là một loại thuốc kháng histamin giúp cơ thể chống lại cảm giác buồn nôn, thuốc cũng gây buồn ngủ có thể giúp bé chợp mắt khi đang ngồi trên xe. Hãy cho bé uống benadryl 1 giờ trước khi bắt đầu cuộc hành trình. Thuốc được dùng dựa trên cân nặng của trẻ:
- 3/4 thìa cà phê cho trẻ nặng từ 20 – 24kg
- 1 thìa cà phê cho trẻ nặng từ 25 – 37kg
- 1,5 thìa cà phê cho trẻ nặng từ 38 – 49kg
- 2 thìa cà phê cho trẻ nặng hơn 50kg.
2.6 Phân tán sự chú ý của bé
Nếu muốn chống say xe cho trẻ nhỏ, bạn nên phân tán sự chú ý của bé bằng cách nói chuyện hoặc chơi trò chơi như hát, đố vui, trả lời nhanh để bé không còn suy nghĩ đến việc mình sẽ bị say hay sắp phải nôn ra.
2.7 Đem theo gừng
Gừng là vị thuốc Đông y có khả năng chống say xe khá hiệu quả. Bạn có thể đem theo mứt gừng, kẹo gừng hoặc gừng tươi để bé ngậm những lúc con cảm thấy không khỏe. Tuy nhiên, trẻ dưới 2 tuổi được khuyên không nên sử dụng loại dược liệu này.
2.8 Nên mang theo những đồ chơi nào mà trẻ yêu thích nhất. Trong suốt thời gian trên xe, trẻ sẽ hứng thú và tập trung vào đồ chơi của mình.
2.9 Mẹo hay giúp trẻ không bị say xe nữa là có thể cho bé ngửi vỏ quýt, vỏ cam, mùi chanh, bạc hà, gừng,… và cũng để khử mùi trên xe. Tinh dầu cùng hương thơm dìu dịu từ vỏ quýt sẽ giúp con trẻ đỡ say và cảm thấy dễ chịu hơn. Tuyệt đối không được cho bé ăn cam hoặc quýt như vậy sẽ dễ say hơn.
2.10 Cho bé ngồi ghế trước đầu xe sẽ ít bị xóc hơn, tầm mắt của bé sẽ xa hơn nên không bị tập trung vào những tình huống trên xe như vậy bé sẽ ít bị say hơn.
2.11 Cho bé ngủ đủ giấc trước khi khởi hành. Bé có sức khỏe tốt, không thiếu ngủ sẽ có chuyến đi khỏe mạnh hơn, không còn cảm giác say xe hoặc nôn nao nữa.
2.12 Dùng phương pháp bấm huyệt
Nếu bé đã trên 3 tuổi, bạn có thể thực hiện phương pháp bấm huyệt hợp cốc và huyệt nội quan cho bé để giảm cảm giác say xe. Huyệt hợp cốc nằm ở mu bàn tay, phía trên ngã ba giao nhau giữa xương ngón cái và ngón trỏ một chút.
Để chống say xe cho trẻ hiệu quả, bố mẹ hãy tham khảo những mẹo nhỏ trên đây, giúp bé có thể khỏe khoắn, tươi tắn trên cả một hành trình dài. Chúc các bạn có một chuyến hành trình an toàn, thuận lợi nhé!