Thời tiết thay đổi, hay mưa nhiều ít nắng là lúc nấm bệnh phát triển gây hại cho các cây lan trong vườn, để chủ động phòng trừ nấm bệnh gây hại cho lan các bạn cần biết một số loại thuốc để phun phòng trừ. Bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ tổng hợp các cách phòng và điều trị nấm bệnh gây hại cho phong lan. Mời bạn đọc cùng tham khảo.
1. Phòng ngừa nấm bệnh gây hại cho phong lan
- Khi mua lan về trồng cần phải kiểm tra kỹ lưỡng nếu cây khoẻ mạnh không bị sâu bệnh thì mới tiến hành trồng chung với những cây khác.
- Dọn vệ sinh vườn lan sạch sẽ, thông thoáng. Trong giàn lan không nên để những cây lạ, to lớn (Ví dụ: xoài, chôm chôm…) trong vườn lan vì dễ bị lây bệnh.
- Không nên trồng nhiều tầng (Ví dụ: trên treo, dưới luống) vì nguồn bệnh cây trên (nếu có) sẽ lây xuống cây dưới thông qua việc tưới nước hay mưa.
- Khi giá thể trồng đã hư mục thì tiến hành thay kịp thời, tránh động nước, ẩm thấp. Thường xuyên sang chậu, kết hợp tách chiết lan.
- Quan sát vườn lan thường xuyên để phát hiện những cây bị sâu bệnh kịp thời cách ly, xử lý.
- Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh định kỳ cho lan.
2. Trị sâu bệnh gây hại cho phong lan
– Bệnh đen thân cây lan
Do nấm Fusarium sp. gây nên. Phòng trị: Nên tách những cây bị bệnh để riêng và dùng thuốc phòng trừ hay nhúng cả cây vào thuốc trị nấm. Nếu cây lớn hơn thì cắt bỏ phần thối rồi phun thuốc diệt nấm như Carbenzim, Zin, Zineb 3/2000, Benlat 1/2000, Bendazol.
– Bệnh đốm lá
Do nấm Cercospora sp. gây nên. Bệnh thường phát sinh mạnh trên cây lan Dendrobium sp., gây hại trong mùa mưa ở những vườn lan có độ ẩm cao. Phun thuốc trừ nấm (như trên) Carbenzim + Dipamate: hỗn hợp thuốc hiệu quả cao hay Cadilac.
– Bệnh thán thư
Do nấm Colletotricum sp. gây ra. Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa nên phải phòng trừ trước. Thường cắt bỏ lá vàng rồi phun thuốc diệt nấm 5 – 7 ngày/phun 1 lần: Thio-M, Cabenzim, Bendazol.
– Bệnh thối mềm vi khuẩn
Do vi khuẩn Pseudomonas gladioli gây ra. Vết bệnh có hình dạng bất định, ủng nước, màu trắng đục, thường lan rộng theo chiều rộng của lá. Gặp thời tiết ẩm ướt mô bệnh bị thối úng, thời tiết khô hanh mô bệnh khô tóp có màu trắng xám.
– Bệnh thối nâu vi khuẩn
Do vi khuẩn Erwnia carotovora gây ra. Ban đầu vết bệnh có màu nâu nhạt, hình tròn mọng nước về sau chuyển thành màu nâu đen. Bệnh hại cả thân, lá, mầm làm các bộ phận trên bị thối. Sử dụng Kasumin, dùng 1 trong những hỗn hợp: Saipan + Mexyl; Saipan + Alpine; Mexyl + Alpine để phun phòng trị.
– Bệnh đốm vòng (đốm mắt cua)
Do nấm Cercospora resae gây ra.
- Triệu chứng: Vết bệnh là những đốm nhỏ, hình mắt cua, hình trong hơi lõm, ỡ giữa màu nâu nhạt, xung quanh có gờ nổi màu nâu đậm. Bệnh gây hại chủ yếu trên lá bánh tẻ, lá già tạo thành nhiều vết nhỏ li ti làm lá vàng, nhanh rụng.
- Phòng trừ: Dùng thuốc Topsin M 70 WD hoặc Score 250 ND, Bendazol, Carbenzim, Thio-M.
– Bệnh đốm vòng
Do nấm Alternaria rasae gây ra.
- Triệu chứng: Vết bệnh hình tròn hoặc hình bầu dục, trên vết bệnh có các vòng đồng tâm khá rõ. Khi gặp thời tiết ẩm ướt, ấm áp, trên vết bệnh thường hình thành một lớp nấm mốc màu đen gồm cành và bào tử phân sinh của nấm gây bệnh. Bệnh thường gây hại trên các lá già, lá bánh tẻ làm lá vàng dễ khô rụng.
- Phòng trừ: Sử dụng Daconil 500 SC, Carbenzim + Dipomate, Cadilac.
– Rệp vảy: rệp thường bám trên các thân giả hành còn non. Phòng trị bằng cách: Dùng bàn chải chà xát rồi nhúng cây lan vào dung dịch thuốc Malathion 50 pha loãng, Sagosuper 20EC.
– Bọ trĩ: gây hại chủ yếu trong mùa nắng. Dùng Malathion 5 mg/bình 4 lít nước, phun 1 tuần/lần, phun liên tiếp liên tục trong 3 tuần, Dragon (5cc) + SK99 (20cc)/bình 8 lít.
Trên đây là tổng hợp các cách phòng và điều trị nấm bệnh gây hại cho phong lan đơn giản mà bạn có thể dễ dàng áp dụng tại nhà. Hãy nhanh tay bỏ túi cho mình bí kíp trên để vườn lan nhà mình luôn đẹp và khỏe mạnh nhé!