Cây Bonsai là gì? Những điều có thể bạn chưa biết

0

Bonsai là cái tên không hề xa lạ gì với chúng ta. Tuy nhiên lại có khá ít người biết chính xác cây bonsai là gì và như thế nào mới được gọi là một chậu bonsai lý tưởng. Để giúp bạn hiểu rõ hơn về loại cây trồng này, hãy cùng chúng tôi đi sâu tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

cay-bonsai-la-gi-1

1. Cây Bonsai là gì?

Cây bonsai là loại cây cảnh có kích thước nhỏ với dáng cổ thụ được trồng trong chậu. Bonsai là từ theo phiên âm tiếng Nhật có nghĩa là cây con trồng trong chậu. Do đó, bonsai là một kiểu cây cảnh chứ không phải là tên của một loại cây.

Hiện nay có rất nhiều người gọi tên của loại cây cảnh này thì đúng nhưng thường hay viết sai. Do là phiên âm tiếng Nhật nên phải viết liền là “bonsai” mới đúng. Còn nhiều người hay viết là “bon sai” là không đúng tuy viết như vậy khi đọc vẫn đúng với âm phát ra.

cay-bonsai-la-gi-2

Phân biệt Bonsai với cây cảnh, cây dáng thế?

  • Cây cảnh: Cây cảnh là những cây trồng để trang trí, thưởng thức vẻ đẹp của hoa, lá, dáng…
  • Cây dáng thế: Cây dáng thế là cây cảnh nghệ thuật với sự tác động của con người tạo thành tác phẩm thể hiện ý nghĩa văn hoá phù hợp với thời đại.
  • Bonsai: là cây được trồng trong chậu, khay, được cắt tỉa tạo dáng theo một phương pháp đặc biệt, mang đầy đủ những yếu tố thẩm mỹ và ấn tượng thiên nhiên sẵn có, hay nói một cách khác, Bonsai là một cây hay một nhóm cây trong thiên nhiên được thu nhỏ lại trong gang tấc nhưng vẫn mang nét cổ thụ, được trồng trong chậu, khay hay trên đá bằng một kỹ thuật, và nghệ thuật riêng biệt.

2. Nguồn gốc cây Bonsai từ đâu?

  • Bonsai có nguồn gốc từ Trung Quốc sau đó phổ biến sang Nhật và các nước châu Á. Nghệ thuật chơi bonsai nổi tiếng nhất là Nhật Bản bởi sự sáng tạo, cầu kỳ và kỹ tính tạo ra những cây cảnh có một không hai.
  • Bonsai tức là cây trồng trong chậu được uốn nắn tạo kiểu đẹp độc lạ. Cây bonsai có kích thước từ nhỏ đến lớn, phổ biến là các loại cây cỡ nhỏ có tuổi đời cao, thân gốc to xù xì, lá xanh mượt. Cây được uốn nắn theo các thế đẹp có phong thủy thịnh vượng, may mắn và tài lộc.
  • Cách trồng cây cảnh trong chậu được biết đến ở Trung Quốc từ những năm 206 Trước Công Nguyên. Tuy nhiên, bằng chứng rõ ràng nhất cho sự xuất hiện rất sớm của cây bonsai ở Trung Quốc đó là việc tìm thấy cây bonsai trong hầm mộ của hoàng tử Zhang – huai từ thời nhà Đường (618 – 907). Ngoài ra, rất nhiều tài liệu có từ năm 1000 (nhà Tống) đã có ghi chép và hướng dẫn rất chi tiết cách trồng bonsai. Mãi tới triều nhà Nguyên (1280 – 1368) cây bonsai mới du nhập vào Nhật Bản như những món quà tặng. Sau này bonsai được phát triển rộng rãi tại Nhât Bản và người Nhật đã tạo ra một phong cách riêng cho kiểu cây cảnh này gọi là Bonsai.

cay-bonsai-la-gi-3

3. Ý nghĩa cây Bonsai

Cây bonsai được phát triển rực rỡ nhất tại đất nước mặt trời mọc và nó thấm nhuần màu sắc tôn giáo cũng như văn hóa của người Nhật. Một nghệ nhân bonsai rất nổi tiếng của Nhật Bản đã nói rằng “cây Bonsai có thể dạy chúng ta rằng sự mất kiên nhẫn thường dẫn đến thất bại”. Cũng chính vì thế, ý nghĩa chủ đạo của nghệ thuật Bonsai chính là giúp con người rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại và có một nghị lực sống mạnh mẽ.

Mỗi cây Bonsai không chỉ là một chậu cây cảnh mà nó còn mang ý nghĩa được gửi gắm từ người trồng thông qua cách tạo thế, tạo dáng cho cây. Ví dụ bonsai theo thế quần thụ tam sơn (3 cây trồng theo thế tam tài) thể hiện tinh thần đoàn kết một lòng, dù thiếu một cây cũng sẽ làm mất đi vẻ đẹp của cả chậu. Hay như thế thác đổ nhìn như cây bị gió thổi ngã xuống nhưng vẫn không ngã mang ý nghĩa kiên cường dẻo dai với một sức sống mãnh liệt bên trong.

4. Các dáng cây bonsai phổ biến hiện nay

4.1 Thế bonsai tam đa

Dáng bonsai tam đa là kiểu tạo nhánh 3 thân chung cùng một gốc hoặc trồng ghép 3 cây lại với nhau tượng trưng cho Phúc – Lộc – Thọ được giới chơi cây cảnh ưa chuộng.

Ý nghĩa: Bonsai tam đa có ý nghĩa tượng trưng mang lại phúc lộc đầy nhà, gia chủ trường thọ.

cay-bonsai-la-gi-4

4.2 Thế bonsai thác đổ

Bonsai thác đổ tức là dòng thác lớn như đổ từ trên núi xuống. Thế cây thấp, tán cây trải dài từ phần thân hướng xuống phía dưới chậu cảnh tựa như dòng thác nước.

Ý nghĩa: Kiểu bonsai này ý nghĩa tượng trưng đem lại nguồn nước, nguồn tài nguyên nuôi dưỡng sự sống. Sức trẻ dạt dào xông pha tiến về phía trước không ngại gian khổ

cay-bonsai-la-gi-5

4.3 Thế bonsai ngũ phúc

Ngũ tức là 5 trong phong thủy tượng trưng với ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là 5 yếu tố quan trọng trong sự hình thành phát triển vạn vật.

Thế cây dáng ngũ phúc tức trên một gốc có 5 nhánh thân lớn, lá tốt sum suê, thân rễ xù xì lâu năm. Hoặc một thân chính và 4 nhánh phụ, hay một cây có 5 tầng phân nhánh được gọi là dáng ngũ phúc bonsai

Ý nghĩa: Ngũ phúc có ý nghĩa hội tụ đủ 5 yếu tố phát triển sinh sôi trong vạn vật, đồng thời với ngụ ý gia chủ khi trồng dáng này sẽ có đủ Phúc, Lộc, Thọ, An, Khang

cay-bonsai-la-gi-6

4.4 Thế bonsai thất hiền

Bonsai dáng thất hiền lấy hình ảnh của 7 vị học giả có cuộc sống vô ưu, tự nhiên tự tại luôn lạc quan làm ý tưởng tạo kiểu tượng trưng.

Cây cảnh có một thân trụ, trên thân gồm 7 nhánh to dần từ ngọn tới gốc. Các nhánh cành mọc so le nhau.

Ý nghĩa thế cây thất hiền: Niềm vui tận hưởng cuộc sống, luôn vô tư lạc quan trước những sóng gió cuộc đời mà ít màng đến danh lợi phú quý là ý nghĩa của bonsai dáng này.

cay-bonsai-la-gi-7

4.5 Thế bonsai đại trượng phu

Đại trượng phu ngụ ý chỉ người quân tử, hào hiệp tầm nhìn rộng lớn hay giúp đỡ người khác. Người văn võ song toàn được người đời kính nể.

Cây cảnh dáng này có thân to cao mập mạp thẳng đứng vững trãi, cành to khỏe, lá sum suê sức sống mãnh liệt tượng trưng cho bậc đại trượng phu anh hùng hào kiệt.

cay-bonsai-la-gi-8

4.6 Thế bonsai song thụ

Song tức là 2, thụ tức là quấn vào nhau. Song thụ là 2 cây cùng loại ghép vào một gốc, một cây cao một cây thấp cạnh sát nhau có tán vòng qua thân ôm lấy. Ý nghĩa: Thế cây song thụ bonsai tượng trưng cho sự hòa hợp, yêu thương và đùm bọc tương trợ lẫn nhau. Thể hiện cho tình phụ tử, tình phu thê, tình bằng hữu

cay-bonsai-la-gi-9

4.7 Thế bonsai long chầu hổ phụng

Thế long chầu hổ phụng là kiểu kinh điển trong giới chơi cây cảnh. để tạo được thế này đòi hỏi sự kỳ công tỉ mỉ từng chi tiết. Từ khâu chọn cây để tạo thế đến quy trình chăm sóc tạo kiểu đều hết sức nghiêm ngặt. Bởi vậy, thế bonsai này luôn làm nức lòng giới bonsai khi được mang ra trưng bày thưởng lãm.

Ý nghĩa: Rồng và hổ là 2 loài vật có sức mạnh ghê gớm tượng trưng cho quyền lực, uy mãnh bề thế.

cay-bonsai-la-gi-10

4.8 Thế bonsai tiên nữ

Dáng tiên nữ mảnh khảnh nhỏ nhắn xinh xắn. Thân cây uốn dẻo họa đường cong quyến rũ của các nàng tiên.

Ý nghĩa: Miêu tả thân ngọc dáng ngà đẹp tuyệt trần của những tiên nữ được người đời ngưỡng mộ. Thanh tao, trang nhã nhưng đầy cao quý.

cay-bonsai-la-gi-11

4.9 Thế bonsai đại lâm mộc

Thế đại lâm mộc tức khu rừng lớn. Nhiều cây dáng trụ đứng nhỏ được trồng trên một diện tích vừa nhỏ mô phỏng khu rừng tự nhiên giống thật nhất. Thân cây rêu mốc, thảm thực vật trông y như thật khiến người xem phải trầm trồ thán phục nghệ thuật tạo cảnh bonsai của nghệ nhân.

Ý nghĩa: Khu rừng già là sự trường thọ, cây cao cây thấp, cây già cây trẻ thể hiện gia đình đoàn tụ sung túc, con cháu thuận hòa ấm cúng.

cay-bonsai-la-gi-12

4.10 Bonsai dáng bạt phong

Dáng cây nghiêng như vòng bán nguyệt, các nhánh cây phỏng hiện tượng gió bão thổi bay. Cho dù giông tố, gió lớn cũng không khuất phục được cây, đứng nghiêng mình đón bão táp.

Ý nghĩa: Dù dòng đời nhiều cạm bẫy, nhiều khó khăn tủi nhục nhưng vẫn đứng vững, mạnh mẽ kiên cường đối đầu gió lớn.

cay-bonsai-la-gi-13

Qua những điểm cơ bản về bonsai vừa được giới thiệu trên, hy vọng các bạn đã có cái nhìn khái quát về bonsai là gì cũng như hiểu hơn về ý nghĩa ẩn đằng sau những chậu bonsai tuy nhỏ nhưng có giá trị không hề nhỏ này. Chúc các bạn có thể tự trồng được một chậu bonsai lý tưởng. Hẹn gặp lại các bạn trong những bản tin tiếp theo.

Share.